Mạch Sống, ngày 11 tháng 4, 2018
BPSOS vừa mới đạt 2 mốc điểm quan trọng trong Chương Trình Đòi Tài Sản:
(1) hoàn tất “bạch thư” về tình trạng công dân Mỹ bị chế độ ở Việt Nam chiếm đoạt tài sản;
(2) vượt xa con số 534 hồ sơ ghi danh.
Đây là 2 mốc điểm quan trọng của Giai Đoạn 1 trong kế hoạch vận động chính quyền Hoa Kỳ mở chương trình đòi bồi thường cho công dân Mỹ gốc Việt mà đã bị chế độ ở Việt Nam chiếm đoạt tài sản.
Bạch thư
Với sự tư vấn của 2 hãng luật giàu kinh nghiệm về đòi bồi thường tài sản và một giáo sư đại học luật mà trước đây đứng đầu văn phòng về đòi tài sản của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, BPSOS đã hoàn tất “bạch thư” – tài liệu trình bày và phân tích tình trạng công dân Hoa Kỳ bị chế độ ở Việt Nam chiếm đoạt tài sản. Tài liệu này có công dụng hướng dẫn cho Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ về chính sách để bảo vệ lợi ích của công dân.
Phái đoàn cử tri ở North Carolina tiếp xúc với Bà Robyn Winneberger, Phối Hợp Trưởng văn phòng Raleigh của Dân Biểu David Price (ảnh BPSOS)
Kèm với tài liệu là 25 hồ sơ được biên soạn kỹ lưỡng và có đính kèm các chứng cứ chứng minh quyền sở hữu của công dân Hoa Kỳ và chứng minh rằng họ đã là công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị tịch thu. Các hồ sơ này cho thấy là, không bao lâu sau khi cam kết bồi thường 208 triệu Mỹ kim vào tháng 1 năm 1995 cho 192 công dân Hoa Kỳ năm, chế độ ở Việt Nam đã tiếp tục chiếm đoạt thêm hàng loạt tài sản, lần này là của công dân Hoa Kỳ gốc Việt.
Mốc điểm quan trọng về số hồ sơ
Tính đến ngày hôm nay, số người đã cung cấp đầy đủ các thông tin căn bản theo yêu cầu của BPSOS là 491. Ngoài ra, có trên 50 người đã ghi danh nhưng chưa gửi đầy đủ thông tin căn bản – phần lớn họ là các bác cao niên không quen dùng email mà phải gửi tài liệu qua đường bưu điện. Chắc chắn chúng tôi đã vượt con số 534.
Đấy là một mốc điểm quan trọng. Năm 1980 Quốc Hội Hoa Kỳ đã mở chương trình đòi bồi thường cho 534 công dân khai báo là bị mất tài sản khi bộ đội miền Bắc chiếm miền Nam năm 1975. Với con số vượt quá 534, chúng tôi có căn cứ vững chắc để vận động cả Quốc Hội lẫn Hành Pháp Hoa Kỳ mở chương trình lần 2 để đòi chế độ ở Việt Nam bồi thường cho các tài sản mà họ đã chiếm đoạt của công dân Hoa Kỳ gốc Việt.
Nay chúng tôi đã sẵn sàng để chuyển sang Giai Đoạn 2.
Giai Đoạn 2
Trọng tâm của giai đoạn này là vận động chính quyền Hoa Kỳ mở chương trình, theo luật định, để đòi bồi thường cho các công dân gốc Việt đã bị chế độ ở Việt Nam chiếm đoạt tài sản.
Thực ra, chúng tôi đã bắt đầu lập phái đoàn tiếp xúc với các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ từ đầu tháng 11 năm ngoái. Thành phần chính của các phái đoàn là những cử tri gốc Việt có tài sản bị chiếm đoạt; họ được hướng dẫn bởi những thiện nguyện viên đã được huấn luyện bởi BPSOS. Ngay như ngày hôm nay, một phái đoàn cử tri ở Thành Phố Raleigh, North Carolina đã tiếp xúc với Bà Robyn Winneberger, Phối Hợp Trưởng văn phòng địa phương của Dân Biểu David Price (Dân Chủ, NC).
2 hãng luật tư vấn cũng đã cử luật sư tham gia một số cuộc họp của chúng tôi với văn phòng ở Quốc Hội Hoa Kỳ của các dân biểu Hạ Viện và nghị sĩ Thượng Viện.
Nay Giai Đoạn 2 đã chính thức bắt đầu, cuộc vận động sẽ ráo riết trong 3 tháng tới để đạt cao điểm vào trung tuần tháng 7. Đó là thời điểm của cuộc tổng vận động Quốc Hội hàng năm, mệnh danh là Ngày Vận Động Cho Việt Nam. Ngày vận động chính sẽ là ngày 10 tháng 7. Trong các ngày quanh đó, chúng tôi sẽ có thêm một số buổi họp với Bộ Ngoại Giao và Toà Bạch Ốc.
Cuộc vận động sẽ đạt cao điểm lần thứ 2 vào cuối tháng 10, cận ngày tổng tuyển cử và cũng là thời gian để Quốc Hội biểu quyết nhiều dự thảo luật. Chúng tôi sẽ vận động Quốc Hội cài vào một trong những dự thảo luật này điều khoản mở chương trình đòi bồi thường tài sản cho công dân gốc Việt.
Giai Đoạn 3
Nếu thành công trong mục tiêu mở chương trình, Giai Đoạn 3 sẽ bắt đầu. Đó là giai đoạn mà Uỷ Hội Đòi Bồi Thường Tài Sản trực thuộc Bộ Tư Pháp sẽ bắt đầu tiếp nhận và giải quyết từng hồ sơ một. Chúng tôi sẽ giải thích thêm về giai đoạn này khi đúng thời điểm.
Tiếp tục nhận hồ sơ
Dù đã hoàn tất Giai Đoạn 1, chúng tôi vẫn đẩy mạnh việc thu nhận hồ sơ vì:
(1) Số hồ sơ càng nhiều thì tính thuyết phục càng tăng trong cuộc vận động ở Giai Đoạn 2;
(2) Chúng tôi vẫn muốn có thểm hồ sơ từ một số tiểu bang mà hiện nay còn ít hoặc chưa có hồ sơ, như Alabama, Arizona, Connecticut, Hawaii, Illinois, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Michigan, Mississippi, Nebraska, Nevada, New Jersey, New York, Pennsylvania, Tennessee và Wisconsin;
(3) Càng nghiên cứu nhiều hồ sơ, chúng tôi càng khám phá ra thêm các tình huống có thể áp dụng luật Hoa Kỳ về đòi bồi thường tài sản.
Để nộp hồ sơ hay có thắc mắc, xin liên lạc: taisan@bpsos.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét