Người theo dõi

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Phản đối Luật An Ninh Mạng của Việt Nam, 3 Thượng Nghị Sĩ Mỹ lên tiếng với Google và Facebook

  • Thêm một thành quả từ cuộc tổng vận động Quốc Hội
Mạch Sống, ngày 17 tháng 7, 201
Hôm nay, TNS Marco Rubio (Cộng Hoà, Florida) cùng với 2 đồng viện là TNS Robert Menendez (Dân Chủ, New Jersey) và Ron Wyden (Dân Chủ, Oregon) đã gửi văn thư cho Facebook và Google để nêu mối quan tâm về Luật An Ninh Mạng mới được ban hành ở Việt Nam và mối quan ngại rằng 2 công ty này có thể phải hợp tác với chính quyền Việt Nam để bóp nghẹt tự do ngôn luận và vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng.
Văn thư chung với lời lẽ mạnh mẽ và cụ thể này là thành quả tức thì của cuộc tổng vận động Quốc Hội do BPSOS tổ chức ngày 10 tháng 7 vừa qua. Trong ngày này khoảng 250 công dân Mỹ gốc Việt đã chia thành nhiều phái đoàn để tiếp xúc với tổng cộng 75 văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ. Vấn đề Luật An Ninh Mạng và cuộc đàn áp thô bạo các người biểu tình phản đối luật này nằm cao trên nghị trình của các phái đoàn khi họp với các văn phòng Quốc Hội.

Trong văn thư gửi Ông Mark Zuckerberg, Tổng Giám Đốc Facebook, cũng như Ông Sundar Pichai, Tổng Giám Đốc Google, các vị Thượng Nghị Sĩ chỉ ra cho thấy rằng Luật An Ninh Mạng không hề bảo vệ an toàn thông tin của người sử dụng mà thuần tuý là luật để thắt nghẹt quyền tự do biểu đạt:
“Đây là một nỗ lực trắng trợn của chính quyền Việt Nam nhằm tấn công việc biểu đạt tư tưởng trên không gian mạng bằng cách chiêu mộ hợp tác các công ty kỹ nghệ hàng đầu – đặc biệt là Facebook và Google – vì luật này đòi hỏi phải gỡ bỏ nội dung trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Công An hoặc Bộ Thông Tin và Truyền Thông.”
Các Thượng Nghị Sĩ chỉ ra rằng 2 công ty Facebook và Google đã từng gỡ bỏ nội dung video và tài khoản theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, kể cả nhiều tài khoản của người sử dụng ở California và ở Đức.
“Đây là những diễn tiến rất đáng quan ngại mà chúng tôi muốn Ông giúp chúng tôi hiểu. Việc kiểm duyệt các tài khoản của người Mỹ gốc Việt là điều đặc biệt đáng quan ngại,” các Thượng Nghị Sĩ bày tỏ quan điểm.
Văn thư còn nhắc đến việc chính quyền Việt Nam đang giam cầm hơn 100 tù chính trị và tôn giáo, trong đó có 25 nhà báo chuyên nghiệp hoặc dân gian.
Các vị Thượng Nghị Sĩ đã đưa ra 4 yêu cầu cụ thể đối với hãng Facebook và Google:
(1)    Không lưu trữ thông tin người sử dụng ở Việt Nam nếu như điều này sẽ cho phép Bộ Công An Việt Nam tịch thu thông tin một cách tuỳ nghi;
(2)    Thiết lập những quy tắc minh bạch về gỡ bỏ nội dung – không thể chấp nhận được khi việc gỡ bỏ các phát biểu mang tính chính trị hoặc nội dung đăng tải của các nhà báo công dân chỉ vì thể theo yêu cầu của các giới chức chính quyền hoặc đội ngũ dư luận viên của nhà nước;
(3)    Nhanh chóng phổ biến số lần chính quyền Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ nội dung được đăng tải và số lần mà công ty Facebook hoặc Google đã tuân thủ theo các yêu cầu này;
(4)    Nộp nhanh chóng và một cách bảo mật cho Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện và Uỷ Ban Đối Ngoại của Thượng Viện và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nội dung của các yêu cầu đến từ các giới chức Việt Nam và chỉ ra là những yêu cầu nào đã được các công ty này tuân thủ, để Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ biết rõ những ai đang bị chính quyền Việt Nam chĩa mũi ngắm và tại sao.
Văn thư của 3 vị Thượng Nghị Sĩ nhắc nhở công ty Facebook và Google rằng nếu họ bị ép buộc phải hỗ trợ hoặc cấu kết với hành vi kiểm duyệt truyền thông thì đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mà chính quyền Hoa Kỳ sẽ phải nêu lên với Việt Nam ở cấp cao nhất.
Để kết luận, các vị Thượng Nghị Sĩ ngỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp với 2 Ông Zuckerber và Pichai về quan điểm của 2 người này đối với Luật An Ninh Mạng của Việt Nam và những ảnh hưởng của nó lên công ty Facebook và Google.

Cuộc tổng vận động ở Quốc Hội Hoa Kỳ vừa qua là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn để giúp đồng bào ở trong nước đối phó với Luật An Ninh Mạng. Ngày 11 tháng 7, một phái đoàn do BPSOS hướng dẫn vào họp với Bộ Ngoại Giao cũng nêu vấn đề Luật An Ninh Mạng và đề nghị cách đối phó.
Ngày 12 tháng 7, với sự hỗ trợ kỹ thuật của 2 tổ chức International Center for Not-for-Profit Law và Freedom Now, BPSOS đã hoàn tất tài liệu phân tích về chính sách kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam, trong đó có Luật An Ninh Mạng, và vạch ra những điểm vi phạm đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tài liệu này đã được chia sẻ với Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Xem: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/07/Vietnam-UPR-2019-joint-submission-on-freedoms-of-thought-and-expression-1.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét